Thứ Sáu, 23 tháng 5, 2008

CUỒNG PHONG NARGIS GIẾT MỘT, QUÂN PHIỆT MIẾN ĐIỆN GIẾT MƯỜI



CUỒNG PHONG NARGIS GIẾT MỘT, QUÂN PHIỆT MIẾN ĐIỆN GIẾT MƯỜI
CYCLONE NARGIS KILLED ONE, MYANMAR JUNTA WOULD KILL TEN

(Tấm hình của AP cho thấy rất đông nạn nhân thiên tai, người lớn đang đứng, trẻ em đang ngồi dưới trời mưa để chờ được lãnh thức ăn)
Thuỷ-Triều

Đáng lẽ chỉ một vài ngày sau cơn cuồng phong Nargis là mức độ cứu trợ có qui mô lớn của cộng đồng quốc tế dành cho nạn nhân thiên tai Miến Điện đã có thể ngang bằng sự cứu trợ nạn nhân của trận Sóng Thần ở Nam Dương năm 2004. Bởi vì tập đoàn cầm quyền quân phiệt Miến Điện ngay từ đầu đã từ chối tiếp nhận vật phẩm cứu trợ và chuyên viên ngoại quốc phụ trách công tác cứu trợ trực tiếp, cho nên con số người chết càng lúc càng lên cao. Một con số ước lượng rất nhiều người còn sống sót sau cơn cuồng phong gồm có trẻ em, người già, và người bị thương đã không thể chịu đựng được lâu hơn sự đói khát, đau đớn vì vết thương, kiệt sức vì bệnh ỉa chảy kéo dài nên họ đã chết.

Cả hai Trung Tâm Khí Tượng của Liên Hiệp Quốc và Trung Tâm Cảnh Báo Giông Bão của Liên Quân Hoa Kỳ đã loan tin thông báo là trong vòng 24 tiếng đồng hồ sắp tới sẽ có một trận bão nhiệt đới mà nó rất có thể có khả năng trở thành một cơn cuồng phong thứ nhì thổi qua vùng đồng bằng Irrawaddy của Miến Điện thêm một lần nữa vào ngày Thứ Tư 14 tháng 5 năm 2008. Cho dù nó không phải là cơn cuồng phong thứ nhì, những trận gió mưa tầm tã kéo dài nhiều ngày cũng khiến cho tình cảnh nhà tan, cửa nát, đói khát, kiệt sức của nạn nhân càng thêm thê thảm và tình trạng cứu trợ nạn nhân càng thêm khó khăn.

Vùng đồng bằng Irrawaddy là một vựa lúa của nhân dân Miến Điện, trong ngày 3 tháng 5 vừa qua đã bị mưa bão và cơn cuồng phong Nargis tàn phá rất nặng nề. Tới hôm nay đã qua hơn hai tuần lễ, theo nguồn tin của giới cầm quyền quân phiệt Miến Điện thì có 78.500 người chết và 56.000 người mất tích, nhưng theo nguồn tin của Liên Hiệp Quốc thì có ít nhất 133.000 người chết và 220.000 người mất tích. Không ai có thể biết được con số nạn nhân chính xác bởi vì không ai được phép đi đến tận nơi để nhìn thấy tận mắt nhiều vùng dân cư bị cuồng phong tàn phá gần như hoàn toàn không còn lại gì. Tập đoàn cầm quyền quân phiệt đã nhanh chóng ra lệnh "Không Có Người Ngoại Quốc-No Foreigners" và "Không Có Máy Chụp Hình-No Cameras" được phép tiếp cận những vùng bị thiên tai. Trong khi Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế đã ước lượng con số nạn nhân còn sống sót có chừng 2.5 triệu người, và họ có thể sẽ bị chết đói, chết khát, chết bệnh dịch tả, chết vì kiệt sức, nếu thức ăn, nước uống, quần áo, mùng mền, thuốc men cùng với bác sĩ và y tá không được đưa tới kịp thời cứu trợ cho họ; ngược lại, tập đoàn cầm quyền quân phiệt Miến Điện ra tuyên bố là đã hoàn tất giai đoạn cứu trợ, và hiện nay là tới giai đoạn tái thiết.

Thật rõ ràng đây là một tuyên bố láo khoác, trơ trẽn, đáng kinh tởm của một bọn cầm quyền quân phiệt sát nhân. Có lẽ cơn cuồng phong Nargis đã sát hại một (một trăm ngàn người), nhưng bọn quân phiệt Miến Điện sẽ giết chết mười lần hơn (một triệu nạn nhân) vì đói khát, vì bị thương kiệt sức, và bệnh truyền nhiễm đều do bọn quân phiệt đã ra lệnh ngăn cấm những toán chuyên viên ngoại quốc cứu trợ trực tiếp nạn nhân. Vì vậy mới có một câu nói rằng "CUỒNG PHONG NARGIS GIẾT MỘT, QUÂN PHIỆT MIẾN ĐIỆN GIẾT MƯỜI".

Tại sao bọn quân phiệt lại chỉ muốn tiếp nhận vật phẩm cứu trợ nhưng không muốn để cho chuyên viên ngoại quốc cứu trợ trực tiếp phân phát tận tay nạn nhân? Chính vì cái cố tật tham lam tham nhũng của cả bọn quân phiệt ở các cấp. Vật phẩm cứu trợ có chất lượng cao đã bị hoán đổi bằng những món hàng hoá nội địa rẻ tiền để phân phát cho nạn nhân theo tính cách "có còn hơn không", và những vật phẩm cứu trợ có chất lượng cao kia đã được phân phát cho các gia đình quân nhân Miến Điện để mua chuộc sự trung thành với chế độ quân phiệt sát nhân. Tập đoàn cầm quyền quân phiệt đã biến toàn thể quân đội Miến Điện thành một bọn âm binh mất tình cảm dân tộc, vô tri, vô giác, và vô tâm trước thảm cảnh thiên tai của chính đồng bào của họ ở trong nước Miến Điện.

Toàn thể quân đội Miến Điện đã trở thành một bọn âm binh trung thành với bọn đồ tể diệt chủng được sai khiến để trấn áp tàn bạo người dân Miến Điện và các tăng ni Phật Giáo Miến Điện trong những cuộc biểu tình ôn hoà hồi tháng 9 năm 2007 ở khắp nước Miến Điện. Bọn âm binh này không được sử dụng để cứu giúp những nạn nhân thiên tai vừa qua. Những người quan sát tình hình của nước Miến Điện lại trông thấy chỉ có các nhà sư đã cùng với người dân còn sống sót tự dọn dẹp nhà cửa đổ nát và nhà chùa mở rộng cửa chùa để che chở nạn nhân tạm trú và nhà sư đứng phân phát một ít cơm cháo cho nạn nhân đỡ đói.

Còn một số các trại ti nạn của bọn quân phiệt dựng lên có hai mục đích, một là để dàn cảnh tuyên truyền cho bộ mặt giả nhân giả nghĩa chế độ sát nhân, hai là có cái cớ rất thuận lợi để tập trung một số lớn cư dân của vùng đồng bằng Irrawaddy rồi sau đó di cư họ tới những vùng đất mới trong khi đó bọn cầm quyền quân phiệt ở địa phương trưng dụng ruộng đất của nạn nhân. Đã có một số rất đông nạn nhân hiện ở trong các trại tị nạn cho biết họ bị cấm không được phép rời khỏi trại hoặc tiếp xúc với người ở bên ngoài trại. Họ đang lo lắng là họ sẽ được trở về làng xóm cũ và còn giữ được ruộng đất của họ hay không. Các tập đoàn cầm quyền quân phiệt Miến Điện ở các cấp đã từng có những thành tích tàn bạo chiếm đoạt ruộng đất canh tác và di cư nạn nhân bị cưỡng đoạt tài sản tới những vùng đất mới để khai hoang.

Vùng đồng bằng Irrawaddy rộng lớn và có nhiều sông rạch nhỏ chằng chịt nằm ven bờ biển thuộc Vùng Vịnh Bengal ở phía bắc của Biển Andaman. Vì có nhiều sông rạch nhỏ chằng chịt nên nó tạo nên hàng trăm cái cù lao nhỏ, và những cư dân của các cù lao nhỏ này phải dùng những chiếc xuồng nhỏ để di chuyển. Sau khi cơn cuồng phong Nargis thổi qua những cù lao nhỏ này và nước biển dâng lên làm ngập lụt rất nhiều nơi, không ai biết được số phận của những cư dân trong vùng này ai đã chết và ai còn sống ra sao. Bởi vì các phương tiện xuồng nhỏ của những vùng địa phương lân cận dùng để đi cứu trợ thì rất giới hạn hoặc không có trong khi chính người dân ở những nơi đó cũng đang là nạn nhân; còn các phương tiện hải quân tiểu đỉnh cao tốc của Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ, Anh và Pháp từ các chiến hạm Hải Quân Mỹ, Anh và Pháp đang bỏ neo đậu ở ngoài khơi hải phận quốc tế chờ đợi được lệnh là sẵn sàng chạy nhanh vào vùng đồng bằng Irrawaddy để tìm kiếm và cứu trợ nạn nhân, thì tập đoàn cầm quyền quân phiệt Miến Điện lo sợ và nhất định không cho phép. Đã qua hơn hai tuần lễ có lẽ những cư dân ở trên các cù lao nhỏ trong vùng này không còn sống sót được bao nhiêu người. Những người đã sống qua cơn cuồng phong Nargis, nhưng lại phải chết vì sự nhẫn tâm lơ là bỏ mặc của bọn cầm quyền quân phiệt Miến Điện.

Trong lúc Thủ Tướng Thái Lan tới thành phố Ngưỡng Quang, thủ đô cũ của Miến Điện, để thúc đẩy tập đoàn cầm quyền quân phiệt tiếp nhận nhiều hơn vật phẩm cứu trợ và phải cho phép tất cả chuyên viên ngoại quốc cứu trợ gồm có bác sĩ, y tá cứu thương, chuyên viên cơ khí lắp đặt những máy bơm nước và máy tạo nước sạch uống được, vân vân...được trực tiếp đến những vùng bị tàn phá nặng nhất, thì tập đoàn cầm quyền quân phiệt trả lời rằng họ có thể quán xuyến tất cả công tác cứu trợ và họ thực sự không cần chuyên viên ngoại quốc, những người đã có khả năng chuyên môn điều động nhanh chóng và hữu hiệu công tác cứu trợ trong quá khứ.

Nỗi lo sợ người ngoại quốc, nhất là người da trắng, đã hằn sâu trong tâm trí của bọn quân phiệt Miến Điện. Thủ Tướng Thái Lan đã nổ lực thuyết phục bọn quân phiệt, nhưng chỉ có kết quả là 160 nhân viên cứu trợ người Thái Lan, Ấn Độ, Nam Dương, Lào, Trung Cộng được phép vào cứu giúp nạn nhân Miến Điện, nhưng họ bị giới hạn khu vực đi lại trong phạm vi thành phố Ngưỡng Quang và các vùng ngoại ô của nó. Thật là khốn nạn, bởi vì toàn bộ vùng nông thôn ven biển rộng lớn của đồng bằng Irrawaddy đều bị thiên tai chứ không phải chỉ có thành phố Ngưỡng Quang. Tuyệt đối không thấy một nhân viên cứu trợ người da trắng của các hội thiện nguyện tây phương nào được phép làm nghĩa vụ cao cả tại các vùng thiên tai ở Miến Điện.

Vì vậy, công tác cứu trợ do bọn quân phiệt giành phần chủ động đã diễn ra một cách rất chậm chạp, và nặng phần trình diễn được chụp hình đăng báo và lên truyền hình để tuyên truyền láo khoác cho một chế độ sát nhân. Không một người ngoài nào được biết rõ những vật phẩm cứu trợ từ nước ngoài gởi vào có tới tay những nạn nhân thiên tai hay không, bởi vì bọn cầm quyền quân phiệt đã ngăn cấm tất cả những nhân viên cứu trợ ngoại quốc nói chung không được đi kèm theo những kiện hàng cứu trợ để họ có thể trực tiếp điều động công việc phân phát.

Những người quan sát tình hình Miến Điện đã xác nhận là có những chứng cớ chỉ rõ bọn quân phiệt ở các cấp có tham lam tham nhũng trong công việc phân phát các vật phẩm cứu trợ. Cũng chính vì cái cố tật tham lam tham nhũng của cả bọn quân phiệt nên Ngân Hàng Thế Giới vừa có quyết định không cho Miến Điện vay tiền nữa; vả lại, bọn cầm quyền quân phiệt đã tiếm danh nhân dân Miến Điện để vay tiền quá nhiều rồi.

Sau hai tuần lễ Thống Tướng Than Shwe ẩn nấp kín đáo ở thủ đô mới Naypyidaw cách thủ đô cũ Ngưỡng Quang 320 cây số về phía bắc. Thủ đô mới Naypyidaw của bọn quân phiệt Miến Điện đã không bị nạn cuồng phong. Hơn ba năm về trước bọn cầm quyền quân phiệt Miến Điện sở dĩ phải đột ngột bỏ thành phố thủ đô Ngưỡng Quang cổ kính xinh đẹp của nhân dân Miến Điện để di chuyển về một thủ đô mới Naypyidaw được xây dựng như một pháo đài kiên cố ở một nơi hẻo lánh, cô lập với bên ngoài và lưu thông độc đạo, là vì họ lo sợ Mỹ và Đồng Minh tấn công lật đổ chế độ quân phiệt. Tuy nhiên, bọn cầm quyền quân phiệt Miến Điện lại quên rằng Mỹ và Đồng Minh luôn luôn chiếm ưu thế về không quân và hành quân không vận.

Thống Tướng Than Shwe là một tên đồ tể cầm đầu bọn quân phiệt đã chịu xuất hiện cùng với cả bọn đàn em trong những bộ quân phục màu xanh ô-liu được ủi hồ sạch sẻ thẳng nếp để chụp hình trình diễn những màn hài kịch phân phát đồ cứu trợ cho nạn nhân tại một trại tị nạn ở thành phố Ngưỡng Quang. Trong suốt hai tuần lễ vừa qua ông Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki Moon đã không thể gọi điện thoại trực tiếp nói chuyện với tướng Than Shwe, vì không ai cho biết ông ta ẩn thân ở đâu.Đáng lẽ chỉ một vài ngày sau cơn cuồng phong Nargis là mức độ cứu trợ có qui mô lớn của cộng đồng quốc tế dành cho nạn nhân Miến Điện đã có thể ngang bằng sự cứu trợ nạn nhân của trận Sóng Thần ở Nam Dương năm 2004.

Bởi vì tập đoàn cầm quyền quân phiệt ngay từ đầu đã từ chối tiếp nhận vật phẩm cứu trợ và chuyên viên ngoại quốc phụ trách công tác cứu trợ trực tiếp, cho nên con số người chết càng lúc càng lên cao. Một con số ước lượng rất nhiều trẻ em, người già, và người bị thương đã không thể chịu đựng đói khát, đau đớn, kiệt sức kéo dài lâu hơn nên họ đã chết. Trong khi chờ đợi chiếu khán nhập cảnh Miến Điện rồi cuối cùng bị từ chối, hầu như tất cả chuyên viên cứu trợ ngoại quốc đã cảm thấy rất bức rức khổ tâm và bực tức cái bọn quân phiệt khốn kiếp kia chỉ nghĩ tới quyền lực và lợi lộc của chúng mà không ngó ngàng gì đến sự sống chết của người dân Miến Điện.

Nhiều chuyên viên cứu trợ đã cho biết nhận xét của họ là hiện nay bọn cầm quyền quân phiệt chỉ đáp ứng được có một phần mười (1/10) yêu cầu cứu trợ của nạn nhân trong toàn vùng đồng bằng Irrawaddy. Không có nước sạch để uống, không có gạo để nấu cơm cháo đỡ đói, không có thuốc để giảm đau nhức và sát trùng vết thương, không có thuốc để chặn đứng bệnh ỉa chảy, con số ước lượng 2.5 triệu nạn nhân còn sống sót đã đang mỏi mòn chờ đợi được nhận những vật phẩm cứu trợ, và họ đang phải cầm cự với bệnh ỉa chảy đã bộc phát ở nhiều nơi do nguồn nước mà họ đang tiêu dùng là ở hồ ao sông rạch đã hơn hai tuần qua bị ô nhiễm với nhiều xác người đã sình thối, nhiều xác trâu bò gà vịt đã tan rữa, và cứt đái bài tiết của người còn sống không giữ được vệ sinh. Một bác sĩ người Miến Điện phải giấu tên vì sợ bị trừng phạt, đã cho biết là hiện có rất nhiều người dân bị ỉa chảy, và có nguy cơ trở thành một trận dịch tả ghê gớm, đồng thời cùng với nhiều người dân bị thương nặng đã lặng lẽ nhắm mắt mãi mãi.

Nếu CUỒNG PHONG NARGIS GIẾT MỘT, QUÂN PHIỆT MIẾN ĐIỆN GIẾT MƯỜI là đúng sự thật, con số ước lượng 2.5 triệu người nhà tan cửa nát đói khát bệnh hoạn và dần dần kiệt sức chết mỏi chết mòn vì không nhận được sự cứu trợ kịp thời đúng mức, thì cả bọn cầm quyền quân phiệt Miến Điện phải chắc chắn bị kết tội cố ý diệt chủng. Bọn cầm quyền quân phiệt đã không lo khẩn cấp cứu trợ nạn nhân thiên tai, nhưng họ lại nhất quyết thực hiện cho bằng được cuộc trưng cầu dân ý về một bản hiến pháp mới của nước Miến Điện mà họ đã bỏ ra 14 năm để soạn thảo. Một bản hiến pháp mới chỉ nhằm mục đích duy nhất là củng cố quyền lực quân phiệt đến một trăm năm sau, và họ ép buộc người dân Miến Điện phải chấp nhận nó trong một thời điểm đau khổ chết chóc vì tai trời ách nước như vậy.

Trong khi cộng đồng quốc tế còn sửng sốt ngạc nhiên không thể tin rằng bọn cầm quyền quân phiệt Miến Điện lại có thể nhẫn tâm gián tiếp giết chết chính đồng bào ruột thịt của mình đang lâm cảnh thiên tai bằng cách lơ là chậm trễ cứu trợ nạn nhân, cộng đồng quốc tế cũng nhận thấy rõ bọn cầm quyền quân phiệt Miến Điện rất lo sợ bất cứ một ảnh hưởng ngoại tại nào cũng có thể làm suy yếu quyền lực của họ. Họ lo sợ luôn cả những người du khách ngoại quốc tới thăm viếng nước Miến Điện. Hiện nay tất cả du khách ngoại quốc đều không được phép đi vào vùng đồng bằng Irrawaddy bị thiên tai, một nơi mà những người lính Thuỷ Quân Lục Chiến Mỹ, Anh, và Pháp cùng với những bác sĩ và y tá quân y sẽ đem vào hàng chục ngàn tấn bọc nước uống đã lọc sạch, thực phẩm khô các loại có nhiều chất dinh dưỡng sẵn sàng để ăn để uống, và rất nhiều thuốc men đến với những người còn sống sót sau cơn cuồng phong Nargis. Cho tới hôm nay bọn cầm quyền quân phiệt Miến Điện vẫn còn quyết liệt từ chối những bác sĩ, y tá quân y, và rất nhiều vật phẩm cứu trợ từ những con tàu hải quân Mỹ, Anh, và Pháp đang đậu chờ ở ngoài khơi. Một lý do dễ hiểu là họ đã và đang lo sợ cho chế độ sát nhân của họ sẽ bị lật đổ.

Hiện nay đang có một số nhà ngoại giao và chính trị gia tây phương phát biểu một số nhận định về sự "cố ý diệt chủng của tập đoàn cầm quyền quân phiệt Miến Điện" và nêu ra nguyên tắc "Trách Nhiệm Để Bảo Vệ - Responsibilty To Protect" của Liên Hiệp Quốc như là một chính nghĩa để xâm phạm chủ quyền của nước Miến Điện và buộc phải cứu trợ khẩn cấp những nạn nhân thiên tai ở cả vùng đồng bằng Irrawaddy bằng một sức mạnh quân sự khôn khéo và nhanh chóng trước khi sẽ có quá nhiều nạn nhân phải chết vì sự "cố ý diệt chủng của tập đoàn cầm quyền quân phiệt Miến Điện".

Trước ngày Tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc xảy ra một trận động đất gây thiệt hại nặng nề, Ngoại Trưởng Trung Cộng đã có lên tiếng cảnh cáo cộng đồng quốc tế nên tôn trọng những quyết định của tập đoàn cầm quyền quân phiệt Miến Điện liên quan tới việc họ từ chối vật phẩm cứu trợ và chuyên viên cứu trợ người Âu, Mỹ không được cấp chiếu khán nhập cảnh Miến Điện. Trung Cộng là một đồng minh đã mạnh mẽ bảo vệ cho tập đoàn cầm quyền quân phiệt Miến Điện, vì vậy ở Hội Đồng Bảo An LHQ Trung Cộng có thể dùng quyền phủ quyết để bác bỏ Nguyên Tắc "Trách Nhiệm Để Bảo Vệ" của LHQ được áp dụng để cứu trợ khẩn cấp nạn nhân thiên tai Miến Điện bằng những phương tiện quân sự của Mỹ và Đồng Minh.

Sau khi Tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc bị một trận động đất mạnh, người ta lại nhận thấy hai hình ảnh rất khác biệt ở hai quốc gia bị thiên tai. Lần đầu tiên tập đoàn cầm quyền Trung Cộng bắt buộc phải mở rộng thông tin đa chiều để các tin tức về trận động đất được nhanh chóng loan đi khắp thế giới một cách trung thực; còn tập đoàn cầm quyền quân phiệt Miến Điện vẫn cứ khăng khăng bưng bít sự thật. Giới lãnh đạo Trung Cộng đã lên tiếng yêu cầu cộng đồng quốc tế tiếp sức cứu trợ nạn nhân thiên tai; ngược lại, bọn cầm quyền quân phiệt Miến Điện từ chối chuyên viên cứu trợ ngoại quốc, và hạn chế việc nhận những vật phẩm cứu trợ của ngoại quốc gởi tới Miến Điện. Quân Đội Trung Cộng được sử dụng để tiếp sức cứu trợ nạn nhân thiên tai; trong khi Quân Đội Miến Điện thì chỉ lo săn sóc doanh trại của họ và canh giữ bảo vệ chế độ quân phiệt vì họ lo sợ Mỹ và Đồng Minh lợi dụng lúc vào cứu trợ sẽ xúi giục nạn nhân Miến Điện nổi dậy lật đổ chính quyền.

Hình như tất cả các tập đoàn cầm quyền quân phiệt Miến Điện ở các cấp vì tham quyền cố vị và tham lam của cải lợi lộc đã khiến cho họ bất lương và tàn ác đối với người dân của họ. Họ thực sự không có khả năng của người lãnh đạo đất nước Miến Điện. Họ phải trông cậy nhờ vả mọi thứ vào quan thầy Trung Cộng. Một sự kiện điển hình mới nhất chỉ rõ sự thấp kém hèn hạ quỵ luỵ của họ là sau khi Trung Cộng tuyên bố ba ngày cả nước treo cờ rũ để đau buồn tưởng nhớ tới những nạn nhân thiên tai động đất ở Tỉnh Tứ Xuyên, thì họ cũng mau mắn bắt chước làm theo giống y nguyên. Cũng ba ngày cả nước treo cờ rũ để đau buồn tưởng nhớ tới những nạn nhân thiên tai cuồng phong Nargis ở Vùng Đồng Bằng Irrawaddy. Đau buồn tưởng nhớ tới những người đã chết là một điều nên làm một cách thành tâm, nhưng chúng ta cần phải đau buồn và tưởng nhớ nhiều hơn tới những nạn nhân còn sống sót đang mỏi mòn chờ đợi được cứu trợ. Nếu những nạn nhân này không được cứu trợ càng sớm càng tốt, họ sẽ chết dần dần vì đói khát, bị thương đau đớn kiệt sức, và mắc các thứ bệnh nhưng không được điều trị kịp thời.

Nếu CUỒNG PHONG NARGIS GIẾT MỘT, QUÂN PHIỆT MIẾN ĐIỆN GIẾT MƯỜI là đúng sự thật, con số ước lượng 2.5 triệu người nhà tan cửa nát đói khát bệnh hoạn và dần dần kiệt sức chết mỏi chết mòn vì không nhận được sự cứu trợ kịp thời đúng mức, thì cả bọn cầm quyền quân phiệt Miến Điện phải chắc chắn bị kết tội cố ý diệt chủng./.

Thuỷ-Triều
22/05/2008

Không có nhận xét nào: