Thứ Sáu, 9 tháng 5, 2008

CON MA THẾ VẬN HỘI BẮC KINH KHÁT NƯỚC


CON MA THẾ VẬN HỘI BẮC KINH KHÁT NƯỚC
BEIJING OLYMPIC THIRSTY GHOST
Thuỷ-Triều

Tấm hình được tải xuống từ Blog http:// thirstyghosts2.blogspot. com /2007/04/ look-dont-torch.html

“Con Ma Thế Vận Hội Bắc Kinh Khát Nước” cứ nghĩ rằng nó sẽ được Nhân Dân Đài Loan mở rượu sâm-pan ra đãi nó, nhưng không ngờ Nhân Dân Đài Loan đã dùng bình chửa lửa để xịt nó tắt ngỏm. Đó là nội dung của bức hí hoạ châm biếm mà chúng tôi xin phép Blogger ở mạng Thirstyghosts2. blogspot. com được trích đăng nêu trên để chia sẻ cùng với độc giả Việt Nam ở khắp nơi.

Có lẽ rất nhiều người Việt, nhất là người Việt đang ở trong nước Việt Nam đã không thèm biết tới Thế Vận Hội Bắc Kinh Mùa Hè 2008 và Cây Đuốc Thế Vận. Một phần do bởi cuộc sống hàng ngày của họ quá vất vả vì tay làm hàm nhai, nên không còn đầu óc nào để biết tới Thế Vận Hội như một thứ xa xỉ phẩm. Một phần do bởi hầu như toàn thể giới truyền thông quốc doanh của Việt Cộng đã không tường thuật đầy đủ chi tiết về Thế Vận Hội Bắc Kinh và Cây Đuốc Thế Vận.

Kể từ tháng 4 năm 2007 sau khi tập đoàn cầm quyền trung ương Trung Cộng công bố một lộ trình rước Cây Đuốc Thế Vận vòng quanh thế giới dài nhất và tốn kém nhất trong lịch sử Thế Vận Hội, rất nhiều người Việt đã không biết rằng Nhân Dân Đài Loan đã mau chóng mạnh mẽ tuyên bố từ chối không tiếp rước Cây Đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh tại thủ đô Đài Bắc ở đảo quốc của họ. Quyết định bất ngờ này của Nhân Dân Đài Loan đã khiến cho tập đoàn cầm quyền trung ương Trung Cộng giật mình sửng sốt.

Mặc dù ở đầu môi thì cái chót lưỡi ngoại giao kêu gào lên án những kẻ lạm dụng thế vận hội để giải quyết các vấn đề chính trị được kèm theo, mọi người đều nhận thấy rõ Thế Vận Hội luôn luôn là một cơ hội để các quốc gia chính trị hoá nó, ngõ hầu gián tiếp thanh toán ân oán chính trị với nhau. Chẳng những các quốc gia tham dự thế vận hội đã lạm dụng nó như là một dịp tốt để trả đòn thù chính trị một quốc gia nào đó đối nghịch với mình, những cá nhân lực sĩ thế vận hội cũng đã lạm dụng nó như là một dịp tốt để bày tỏ thái độ chính trị của mình về một vấn đề chính trị mà bản thân người lực sĩ đó có quan tâm đến.

Một sự kiện điển hình của việc người lực sĩ thế vận hội bày tỏ thái độ chính trị của mình ngay trong thời gian thế vận hội là hai lực sĩ Mỹ Da Đen tên Tommie Smith và John Carlos, hai người đã chiếm huy chương vàng và huy chương đồng của môn chạy 200 mét ở Thế Vận Hội 1968. Sau khi đã nhận huy chương, cả hai người lực sĩ này đã im lặng đứng thẳng vung cao nắm tay của họ đang mang bao tay màu đen lên chào để bày tỏ sự ủng hộ “Chủ Nghĩa Dân Tộc Da Đen – Black Nationalism”. Hành động can đảm của họ đã khiến cho hầu hết khán giả thế vận hội vừa sửng sốt vừa thán phục, nhưng họ cũng phải trả một giá rất đắc là Uỷ Ban Thế Vận Hội Mỹ đã “treo cặp giò của họ” không cho họ chạy nữa kể từ đó.

Cựu lực sĩ Tommie Smith đã phát biểu là “Nếu bạn bày tỏ một lập trường của bạn trước bàng quan thiên hạ ở Thế Vận Hội, bạn sẽ phải hy sinh nhiều lắm. Tôi hoàn toàn tin rằng Uỷ Ban Thế Vận Hội Quốc Tế sẽ còn trừng phạt những lực sĩ, có lẽ còn nặng nề hơn hình phạt của chúng tôi vào năm 1968. Trong lịch sử thế vận hội từ trước cho tới nay, có lẽ Thế Vận Hội Bắc Kinh là một Thế Vận Hội mang tính chất chính trị nhiều nhất. Chúng ta cần phải biết tại sao Uỷ Ban Thế Vận Hội Quốc Tế đã quyết định đem Thế Vận Hội Mùa Hè 2008 này tới một quốc gia độc đảng độc tài toàn trị như vậy. Đừng giả vờ là tiền bạc đã không có liên quan gì tới thế vận hội. Tuy nhiên, Uỷ Ban Thế Vận Hội Quốc Tế phải có những trách nhiệm. Đây đã là một quyết định mà nó cần nhiều suy ngẫm hơn.”

Thật đúng như cựu lực sĩ Tommie Smith đã nói, Thế Vận Hội Bắc Kinh Mùa Hè 2008 là một Thế Vận Hội Chính Trị ngay từ đầu do tập đoàn cầm quyền trung ương Trung Cộng khởi động. Vì muốn được quyền đăng cai thế vận hội, chính họ đã hứa hẹn cải thiện các hồ sơ nhân quyền của Trung Quốc, cùng lúc mở rộng tự do báo chí qua việc cho phép các phóng viên ký giả ngoại quốc đến Trung Quốc và hoàn toàn được tự do trong thời gian trước thế vận hội và trong những ngày thế vận hội diễn ra ở Bắc Kinh.

Vào tháng 4 năm 2007 cũng chính họ đã chính trị hoá thế vận hội khi họ công bố một lộ trình rước cây đuốc thế vận vòng quanh thế giới được chia ra làm hai “lộ trình rước đuốc ở hải ngoại” đi qua những thành phố của ngoại quốc, và “lộ trình rước đuốc ở quốc nội” đi qua những thành phố thuộc quyền cai quản của Trung Cộng. Những người quan sát tinh ý đã nhận thấy ngay tập đoàn cầm quyền trung ương Trung Cộng đã giở trò ma mãnh chính trị núp dưới cái hình ảnh cây đuốc có vẽ hoa văn những “Đám Mây Hài Hoà” trên một “Hành Trình Hài Hoà”. Tuy nhiên cái âm mưu chính trị tinh ranh quỷ quyệt của họ cũng đã bị Nhân Dân Đài Loan nhìn thấu, và Nhân Dân Đài Loan đã mạnh mẽ từ chối tiếp rước Cây Đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh tại thủ đô Đài Bắc của đảo quốc Đài Loan.

Thế Vận Hội Bắc Kinh Mùa Hè 2008 là một cơ hội trăm năm mới có một lần cho tập đoàn cầm quyền trung ương Trung Cộng khoe khoang với thế giới bên ngoài một nước Trung Quốc vĩ đại đa dạng về địa lý, khí hậu, nhân văn, tôn giáo, chủng tộc, phát triển kinh tế vượt bậc, và nhất là các hệ thống chính trị có khác nhau với hình thức các vùng lãnh thổ, các khu tự trị, nhưng có thể hoạt động hài hoà dưới sự lãnh đạo của đảng Trung Cộng. Đó là các khu tự trị Tây Tạng, khu tự trị Tân Cương, khu tự trị Nội Mông, và các vùng lãnh thổ Hồng Kông, Ma Cau, nhất là đảo Đài Loan. Tập đoàn cầm quyền trung ương Trung Cộng luôn luôn nghĩ rằng đảo Đài Loan là một vùng lãnh thổ không thể tách rời ra khỏi Trung Quốc. Trong khi ngược lại, Nhân Dân Đài Loan luôn luôn mong muốn đảo quốc của họ được độc lập và tự do. Chính vì vậy cả hai phía lãnh đạo Bắc Kinh và lãnh đạo Đài Bắc đều muốn lợi dụng công việc rước cây đuốc thế vận để củng cố lập trường của mình cho vững chắc hơn.

Phía lãnh đạo Bắc Kinh muốn nhấn mạnh rằng đảo Đài Loan là một vùng lãnh thổ của Trung Quốc cho nên cây đuốc thế vận sẽ được rước từ thành phố HCM của một nước cộng sản Việt Nam tới thành phố Đài Bắc vào ngày 30 tháng 4 trong một thời gian ngắn, rồi sau đó được rước qua Hồng Kông và Ma Cau. Cây đuốc thế vận đi qua cả ba nơi Đài Loan, Hồng Kông, và Ma Cau đều là những vùng lãnh thổ của Trung Quốc để bắt đầu một “lộ trình rước đuốc ở quốc nội”.

Phía lãnh đạo Đài Bắc đã tức khắc từ chối không chấp nhận để cho thành phố Đài Bắc của họ làm nơi khởi đầu của “lộ trình rước đuốc ở quốc nội” bởi vì đảo quốc Đài Loan đã từng là một quốc gia độc lập, đang độc lập, và sẽ còn độc lập. Như vậy, thủ đô Đài Bắc của họ sẽ hân hoan tiếp đón cây đuốc thế vận nếu nó nằm trên “lộ trình rước đuốc ở hải ngoại”; điều này có nghĩa là cây đuốc sẽ đến thủ đô Đài Bắc từ một thành phố ngoại quốc, và sẽ rời Đài Bắc để đến một thành phố ngoại quốc khác, chắc chắn không thuộc Trung Quốc, để nhấn mạnh tính cách độc lập của đảo quốc Đài Loan. Nếu phía lãnh đạo Bắc Kinh không đồng ý như vậy, thì Cây Đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh không được phép tới thủ đô Đài Bắc của đảo quốc Đài Loan.

Kết quả của hiệp thứ nhất thi đấu chính trị giữa Bắc Kinh và Đài Bắc nhân dịp có thế vận hội cho thấy Cây Đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh sau khi rời thành phố Sài Gòn trong đêm 29 tháng 4 đã đi thẳng tới Hồng Kông vào ngày 30 tháng 4 bởi vì Nhân Dân Đài Loan đã từ chối không tiếp đón nó. Đảo quốc Đài Loan độc lập, không phải là một vùng lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc cho dù tập đoàn cầm quyền trung ương Trung Cộng cứ luôn đe doạ sử dụng bạo lực để thu phục Nhân Dân Đài Loan.

Trong khi giới lãnh đạo Đài Bắc dứt khoát từ chối không tiếp đón Cây Đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh để mạnh mẽ biểu lộ tính cách độc lập của đảo quốc Đài Loan, và không khiếp sợ mà phải chịu khuất phục trước những đe doạ bạo lực của Trung Cộng, thì cả hai giới cầm quyền Bình Nhưỡng của CS Bắc Hàn và Hà Nội của Việt Cộng đã hân hoan làm tròn bổn phận của những kẻ nô lệ Tàu Cộng ở hai nước chư hầu. Trên suốt “lộ trình rước đuốc ở hải ngoại”, Cây Đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh đi đến đâu cũng đều bị người dân ở đó biểu tình phản đối, chỉ có hai nơi mà Cây Đuốc Thế Vận được bình an là thủ đô Bình Nhưỡng của CS Bắc Hàn và thành phố HCM của Việt Cộng.

Giới cầm quyền Bình Nhưỡng đã ra lệnh cho hàng trăm ngàn người dân ở thủ đô Bình Nhưỡng đứng xếp hàng có trật tự dọc theo hai bên đường phất cờ Tàu Cộng và CS Bắc Hàn để chào đón cây đuốc. Còn giới cầm quyền Hà Nội thì trước khi rước cây đuốc ở thành phố HCM đã bắt giữ nhiều người dân Việt Nam có ý định biểu tình phản đối việc Tàu Cộng chiếm hai nhóm đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Giới cầm quyền Hà Nội đã cho phép hàng ngàn người Tàu Cộng mang theo bản đồ Trung Quốc và nhiều lá cờ đỏ Tàu Cộng có kích thước lớn tràn ngập đường phố trong lúc rước cây đuốc thế vận. Chỉ trong vòng bốn tiếng đồng hồ vào buổi tối của ngày 29 tháng 4, thành phố HCM của Việt Cộng đã bị tràn ngập bởi hàng ngàn người Tàu ồn ào reo hò tiếng Tàu và hàng ngàn lá cờ đỏ của Tàu Cộng đã che lấp những lá cờ đỏ của Việt Cộng lẻ loi treo ở những cột đèn. Cũng có một số ít người thị dân Sài Gòn hiếu kỳ tò mò muốn nhìn thấy Cây Đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh ra sao nên đến xem một cách im lặng và rất vô cảm (?).

Giới cầm quyền Hà Nội đã cho người Tàu Cộng mượn thành phố HCM của Việt Cộng để họ tha hồ rước cây đuốc thế vận của họ, phải không? Bởi vì trong thực tế của buổi tối ngày 29 tháng 4, đa số người thị dân Sài Gòn đã không còn lòng dạ nào mà tiếp rước Cây Đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh ôn dịch kia. Bởi vì trong thực tế của mấy ngày 26, 27, 28, 29 tháng 4 ở cả nước Việt Nam đã bị những kẻ lưu manh khốn nạn của chế độ phi nhân vô đạo dã tâm tung tin “gạo tăng giá” gấp đôi gấp ba, và gạo Việt Nam đang khan hiếm nên không xuất khẩu nữa. Cũng giống như toàn thể người dân Việt Nam trong cả nước nghèo khổ phải lo từng bữa cơm ăn không no, tất cả người thị dân Sài Gòn cũng phải lo chạy gạo vì cái tin “gạo tăng giá”. Họ đã không biết tới cây đuốc thế vận của Tàu Cộng được tiếp rước thế nào ở thành phố của họ.

Hơn nữa, một cách làm ra điều bí ẩn có chủ ý là hầu như toàn thể báo chí quốc doanh, đài phát thanh, và đài truyền hình của Việt Cộng đã không nói nhiều tới cuộc tiếp đón cây đuốc ôn dịch kia, cho nên đa số người thị dân Sài Gòn đã không biết gì. Chỉ sau khi hàng ngàn người Tàu Cộng đã hoàn tất lộ trình rước đuốc ở Sài Gòn trong buổi tối ngày 29 tháng 4, thì ngày hôm sau 30 tháng 4 giới truyền thông quốc doanh của Việt Cộng mới loan tin và đăng tải hình ảnh. Ngày 30 tháng 4 năm 2008 tại thành phố Sài Gòn của người thị dân Sài Gòn đuợc nhìn thấy trên báo đài của Việt Cộng hàng ngàn người Tàu Cộng ồn ào reo hò tiếng Tàu và hàng ngàn lá cờ đỏ Tàu Cộng tràn ngập thành phố Sài Gòn. Cái thành quả của ngày 30 tháng 4 của Việt Cộng là được toàn dân Việt Nam, nhất là người thị dân Sài Gòn, thấy rõ ràng cả một bè lũ Việt Cộng đã buôn dân bán nước Việt Nam, và làm chư hầu tay sai cho Tàu Cộng.

Vì bè lũ Việt Cộng là chư hầu tay sai của Tàu Cộng, cho nên sau khi giới lãnh đạo Đài Bắc quyết liệt từ chối không để thủ đô Đài Bắc của họ làm nơi khởi đầu “lộ trình rước đuốc ở quốc nội” thì bè lũ Việt Cộng lại hân hoan dùng thành phố HCM của Việt Cộng để thay thế. Có phải giữa hai giới cầm quyền Bắc Kinh và Hà Nội đã có một mật ước để “hô biến” đất nước Việt Nam thành một khu tự trị mang tên Quảng Nam, cũng như Quảng Đông và Quảng Tây là những lãnh thổ lệ thuộc Trung Quốc?

Hôm nay là ngày 8 tháng 5 năm 2008 Cây Đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh đang được chuẩn bị trèo lên ngọn Everest đỉnh núi cao nhất thế giới trong một nổ lực quyết liệt của các tập đoàn cầm quyền Trung Cộng ở các cấp để bày tỏ với thế giới cái tham vọng của Chủ-Nghĩa-Dân-Tộc-Siêu-Đẳng-Đại-Hán ngất trời của họ. Chúng tôi đi ngược lại để nói rằng “Con Ma Thế Vận Hội Bắc Kinh Khát Nước” qua cái hình ảnh của bức hí hoạ châm biếm được trích dẫn nêu trên.

Trong khi ở nước Việt Nam có những kẻ khốn nạn dù không phải là dân tộc Hán nhưng hèn hạ cam tâm làm kiếp-khuyển-mã tay sai cho Tàu Cộng để buôn dân bán nước Việt Nam mà vinh thân phì gia, thì ở đảo quốc Đài Loan lại có những người chính tông Hán Tộc nhưng trước sau như một đã hạ quyết tâm không chịu khuất phục trước những đe doạ bạo lực của Tàu Cộng. Cũng giống như ở tiểu quốc Tây Tạng, mặc dù nó đang bị bạo quyền Tàu Cộng ép buộc khoát lên trên thân thể của nó chiếc áo của khu tự trị, nhưng nhân dân Tây Tạng luôn luôn nhớ rõ rằng Tây Tạng là một tiểu quốc độc lập đã đang bị bạo quyền Tàu Cộng chiếm đóng cai trị độc tài trong thời gian hơn 50 năm nay. Vì vậy toàn thể nhân dân Tây Tạng đã mạnh mẽ biểu tình phản đối Cây Đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh và yêu cầu nó không được mang đến thủ đô Lhasa của tiểu quốc Tây Tạng chỉ với một lý do giản dị vì Tây Tạng là một tiểu quốc bị Tàu Cộng cưỡng chiếm chứ không phải là lãnh thổ của Trung Quốc.

Kết luận, Thế Vận Hội Bắc Kinh Mùa Hè 2008 đã mang nặng tính cách chính trị nhất trong lịch sử thế vận hội từ trước tới nay là do những sự kiện sơ lược nêu trên. Đối với nhân dân Đài Loan thì Cây Đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh chỉ là một Con Ma Thế Vận Hội Bắc Kinh Khát Nước. Còn đối với nhân dân Việt Nam, mọi người đã đang phải phân biệt rõ ràng nhân dân Việt Nam khác với bè lũ cầm quyền Việt Cộng bán nước hiện nay, thì Cây Đuốc Thế Vận Hội Bắc Kinh cũng là một Con Ma Thế Vận Hội đã đến thành phố Sài Gòn thân yêu của họ trong đêm tối một cách bất thường, vì trong khi các thành phố khác tiếp đón cây đuốc vào lúc ban ngày thì bè lũ Việt Cộng tay sai của Tàu Cộng lại nhượng quyền cho người Tàu Cộng thao túng rước Con Ma Thế Vận Hội Bắc Kinh của họ vào lúc ban đêm tại thành phố Sài Gòn. Bè lũ Việt Cộng bán nước đã hợp đồng với quan thầy Tàu Cộng của chúng để sử dụng Con Ma Thế Vận Hội Bắc Kinh đe doạ nhân dân Việt Nam, nhất là người thị dân Sài Gòn, vừa mới lo sợ bị chết đói vì không có gạo để ăn, tiếp theo lại phải sợ hãi Con Ma Thế Vận Hội Bắc Kinh mà phải ở lại trong nhà vào đêm 29 tháng 4, và chỉ được u buồn uất hận tủi nhục cho kiếp nô lệ Tàu Cộng, rồi tiếp theo là ngày 30 tháng 4 toàn thể nhân dân Việt Nam tưởng nhớ tới quốc hận đất nước suy vong như một hệ luỵ tất yếu của chế độ Việt Cộng tay sai của Tàu Cộng.

Nhân Dân Đài Loan và Nhân Dân Tây Tạng đã dứt khoát không khiếp sợ Con Ma Thế Vận Hội Bắc Kinh, thế còn Nhân Dân Việt Nam thì sao? Nhân Dân Việt Nam hãy mạnh mẽ vùng lên đập tan bè lũ Việt Cộng bán nước buôn dân.

(Rất tiếc là tác giả đã cố ý dùng quá nhiều điệp ngữ và điệp ý trong bài văn được cố ý viết một cách hơi luông tuồng này, nhưng ở mỗi đoạn văn có những hàm ý khác nhau. Xin quí vị vui lòng tha lỗi cho tác giả. 08/05/2008)

Thuỷ-Triều

Không có nhận xét nào: